News

KEVIN DURANT: ĐAM MÊ BÓNG RỔ CỦA CẬU BÉ 10 TUỔI Ở VÙNG QUÊ NGHÈO

Kevin Durant thuộc top những cầu thủ bóng rổ giỏi nhất tại NBA. Và hành trình đi đến đỉnh vinh quang đó là cả một sự cố gắng không ngừng nghỉ.

KEVIN DURANT LÀ AI?

Kevin Wayne Durant (sinh ngày 29 tháng 9 năm 1988) là một cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp người Mỹ chơi cho đội Brooklyn Nets thuộc Giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA). Anh đã giành được hai chức vô địch NBA và trở thành Finals MVP (cầu thủ hay nhất loạt trận chung kết) trong cả 2 lần đó.

KD là một trong những tay ném toàn diện nhất tại NBA ở thời điểm hiện tại. Anh được xếp hạng là một trong những cầu thủ bóng rổ có thu nhập cao nhất trên thế giới. Anh cũng được Tạp chí Time bình chọn là 100 người ảnh hưởng nhất trên thế giới vào năm 2018.

Kevin Durant (Photo: Getty Images).

CÂU CHUYỆN VỀ KEVIN DURANT

Tuổi thơ nghèo khó

“Tôi thất bại nhiều lần và lại đứng lên. Tôi đã trải qua thời gian khó khăn nhất bên gia đình, nhưng… tôi vẫn đứng đây.”

Kevin Durant được sinh ra tại một thị trấn nhỏ ngoại ô Washington, nơi có đến 80% hộ nghèo. Gia đình của KD cũng không phải là một ngoại lệ. Bố của Kevin Durant rời bỏ gia đình khi anh chỉ vừa 1 tuổi, và tuổi thơ thiếu ăn thiếu mặc đã tạo nên một thiếu niên gầy gò, cao lênh khênh. Đó là lý do Kevin Durant vẫn giữ vóc dáng đó cho đến ngày hôm nay.

Bà mẹ đơn thân 21 tuổi đã rất chật vật để nuôi nấng hai con trai. Họ thường xuyên phải chuyển chỗ ở vì công việc của Wanda Durant (mẹ của Kevin) rất bấp bênh. “Không giường, không nội thất, phải ngủ dưới sàn. Cả 3 mẹ con chúng tôi ôm nhau để sưởi ấm” – không chỉ ảnh hưởng đến vật chất, mà sự thiếu thốn tình thương từ bố còn tác động đến cuộc sống tinh thần của mẹ con nhà Durant.

Kevin Durant lúc nhỏ.

Kevin rất cao khi còn nhỏ và đặc biệt đam mê bóng rổ. Khi cậu bé lên 10 nói với mẹ rằng: “Con muốn trở thành 1 cầu thủ NBA”, bà Wanda đã làm tất cả những gì mình có thể để giúp con trai mình. Bà còn viết một mảnh giấy “Luôn luôn tin rằng điều gì cũng có thể xảy ra” và treo ở đầu giường KD.

Trải qua nhiều khó khăn và với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Kevin Durant đã đạt được điều mà bản thân mong muốn: 2 lần vô địch NBA và có danh hiệu MVP. KD luôn nói rằng sự thành công đó đều do mẹ anh ấy.

Chiếc áo số 35

“Nếu ông ấy mất lúc 47 tuổi, tôi đã chuyển sang số áo 47.”

Đối với người khác, 35 chỉ là một con số nhưng với Kevin Durant, 35 là câu chuyện về một con người.

Trong một vụ nổ súng diễn ra vào sáng sớm ngày 30/04/2005, Charles Craig đã qua đời. Khi đó, Kevin Durant 16 tuổi không có mặt tại hiện tường nhưng đã nhanh chóng nghe được sự cố. Bởi vì Charles Craig vừa là người cố vấn, vừa là người cha tinh thần và thầy dạy bóng rổ của cậu.

Từ đó Kevin Durant bắt đầu đeo áo số 35 để ghi nhớ độ tuổi của Charles Craig lúc qua đời. Đó là cách anh biết ơn người thầy tận tâm với mình từ những năm tháng đầu tiên đồng hành với trái bóng cam.

Kevin Durant và chiếc áo số 35.

“Tôi biết chăm chỉ giúp tôi được đứng đây. Và cái ngày tôi ngừng chăm chỉ, tất cả sẽ vụt mất.”

KD đã luyện tập rất chăm chỉ để cải thiện bản thân. Anh thất bại nhiều lần nhưng không bỏ cuộc. Trong suốt 6 năm liền, anh tập bóng rổ 8 tiếng 1 ngày!  

Và anh đã làm được! Chiếc áo số 35 của anh hiện là một trong những áo đấu bán chạy nhất ở giải bóng rổ NBA gần 10 năm qua. Người hâm mộ trên khắp thế giới đua nhau mua áo có tên Kevin Durant cùng số 35 ấy.

Một người thành công nhưng tốt bụng và khiêm tốn

“Bóng rổ là nơi để tôi truyền cảm hứng đến mọi người.”

Từ một cậu bé mất tất cả, giờ đây Kevin Durant đã trở thành mục tiêu vươn tới của mọi đứa trẻ nghèo khó trên hành tinh. Anh đang có một cuộc sống giàu sang, hạnh phúc với gia đình hiện tại. Tuy vậy Kevin Durant vẫn không thể quên được những ngày tháng nghèo khó khi xưa.

Kevin Durant và mẹ – người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời anh ấy.

Bây giờ, khi KD đã đạt được rất nhiều thành công trong sự nghiệp, anh tập trung thời gian của mình để “cho đi”. Quỹ từ thiện của anh được sử dụng để giúp đỡ rất nhiều người vô gia cư, xây sân bóng rổ ở những vùng kém phát triển và giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đến trường.

Qua câu chuyện của Kevin Durant, có thể thấy rõ một chân lý rằng dù có bao nhiêu tiền tài, danh vọng thì gia đình vẫn luôn là nơi để trở về.